Cứ tới mùa nước nổi về, khắp dọc các mé sông, bờ đê lại rợp màu vàng tươi của bông điên điển. Đây là loại bông tạo nên những món ăn đặc trưng nổi tiếng của người dân miền Tây, với bông điên điển, ta có thể chế biến thành rất nhiều món ăn ngon và bổ dưỡng.
>>> Đọc thêm: Cá Lóc Nướng Trui - Đặc Sản Dân Dã Miền Tây
Những chùm điên điển vàng ươm rực rỡ
Điên điển là loại cây mọc ở vùng đầm lầy, mé sông ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, nhất là vào mùa nước nổi. Quanh những cánh đồng, con kênh ngập đầy nước, hàng cây điên điển mọc xanh ươm, thẳng tấp, bông điên điển có màu vàng tươi, mọc thành từng chùm. Theo người dân địa phương chia sẻ, thời điểm thu hoạch bông điên điển thích hợp nhất là vào buổi chiều vì khi đó bông chỉ mới vừa hé nhụy, ăn sẽ ngon và tươi hơn các buổi khác trong ngày.
Người dân địa phương thu hoạch bông điên điển vào một buổi chiều vàng
Các món được làm từ bông điên điển không quá cầu kỳ, phức tạp khi chế biến nhưng mang lại một hương vị rất đặc trưng mà hầu như không có món ăn nào có được. Trong đó, tiêu biểu nhất có thể kể đến các món như: canh chua bông điên điển, gỏi bông điên điển, lẩu mắm nhúng bông điên điển, bánh xèo bông điên điển, bông điên điển xào tỏi.
>>> Đọc thêm: Bữa Sáng Đậm Đà Trên Chợ Nổi Cái Răng (Cần Thơ)
Canh chua bông điên điển
Canh chua bông điên điển là món ăn khá nổi tiếng đối với người miền Tây. Bông điên điển sau khi hái, nhặt sạch bông khô héo, rồi đem rửa sạch để ráo. Cá bỏ vào nồi nấu đến khi sôi lên, cho vào chanh, ớt, đường, bột ngọt, muối nêm sao cho vừa khẩu vị, rồi tiếp đến thả bông điên điển vào. Ngoài ra, muốn tăng thêm hương vị ta có thể thêm vài cọng bông súng, bạc hà, giá đỗ, rau thơm, vài lát ớt để món canh trông bắt mắt hơn.
Nhắc đến cá để nấu canh chua bông điên điển, người dân nơi đây thường chọn cá lóc, cá bông lau, cá diêu hồng nhưng ngon nhất và điển hình nhất trong mùa lũ chính là cá linh. Bông điên điển vừa giòn, lại có vị bùi nhưng ngọt dịu, cá linh thì béo ngậy hòa quyện với vị chua thanh từ me, cay nồng từ ớt kèm theo mùi thơm nức mũi từ các loại rau thơm đã làm nên món canh chua cá linh bông điên điển đậm đà hương vị.
Nồi canh chua bông điên điển nóng hổi thơm ngon
>>> Đọc thêm: Nghề Ăn Ong Của Người Giữ Rừng U Minh
Gỏi bông điên điển
Gỏi trong ẩm thực người Nam Bộ được xem món ăn khá phổ biến và quen thuộc, thường được dùng để chiêu đãi trong các bữa tiệc. Người ta thường kết hợp bông điên điển cùng tôm luộc, tép ram hay thịt ba chỉ để tạo vị ngọt tự nhiên, rồi trộn đều với chanh hoặc giấm, kèm theo dưa leo, cà chua, rau thơm cho dậy lên hương vị đặc trưng của món gỏi, rắc thêm ít đậu phộng, vài miếng hành phi thơm lừng và tỉa một trái ớt thật đẹp để lên đĩa gỏi là đã hoàn thành xong món gỏi bông điên điển đầy hấp dẫn.
Tương tự như canh chua, gỏi điên điển có vị đúng chuẩn nhất vẫn là phải đảm bảo được sự cân bằng giữa vị chua và vị ngọt, nhưng khác với nấu canh ở chỗ nếu làm gỏi thì bông điên điển sẽ giữ trọn vẹn được độ giòn cũng như vị ngọt bùi tự nhiên vốn có của mình, chắc chắn nó sẽ là một món ăn thơm ngon lạ miệng dành cho thực khách.
Đĩa gỏi bông điên điển trộn với tép đầy ươm hấp dẫn
>>> Đọc thêm: Top 5 Món Đặc Sản Cà Mau Đậm Đà Hương Vị Miền Tây
Bánh xèo bông điên điển
Bánh xèo bông điên điển cái tên nghe khá lạ so với các vùng miền khác, nhưng đối với bà con vùng nước nổi nó là món ăn quá đỗi thân thuộc. Bánh xèo được làm từ bột gạo, khuấy đều với nước cốt nghệ sao cho ánh lên màu vàng tươi của nghệ, rồi trộn đều với nước cốt dừa nhằm tăng thêm độ béo. Sau khi làm xong bột bánh, ta tiến hành công đoạn đổ bánh. Đầu tiên tráng chảo nóng, đổ dầu vào, rồi múc lượng vừa đủ từ bột bánh xèo đổ vào chảo, tráng đều và nhanh tay sao cho bên không quá mỏng bên thì quá dày.
Khi vỏ bánh chín, cho thịt, tép đã xào, bông điên điển và củ sắn vào. Tiếp theo, úp phân nửa bánh lại, đậy nắp vung đợi khi bông điên điển và củ sắn chín thì gắp ra dĩa. Gắp một phần bánh nóng hổi vừa làm, cuộn tròn bởi nhiều lớp rau sống tươi thơm, chấm đều trong nước mắm chua ngọt thơm nức mùi. Phần bánh nóng mềm với độ béo vừa đủ kết hợp với vị bùi từ bông điên điển đã tạo ra món ăn cực ngon, khó cưỡng đối với thực khách. Thêm vào đó sự hòa trộn ăn ý với vị ngọt từ tôm, thịt, vị thanh mát từ củ sắn, vị chát nhẹ từ rau rừng tất cả đã làm nên nét đặc trưng riêng cho món bánh xèo của người dân vùng lũ.
Bánh xèo bông điên điển là món ăn quen thuộc của người miền Tây
>>> Đọc thêm: Truyền Thuyết Về Đầm Thị Tường Ở Cà Mau
Lẩu mắm nhúng bông điên điển
Mắm có lẽ là một món khó ăn với vài người. Tuy nhiên, nó lại được xem là món đặc sản của người dân miền Tây Nam Bộ. Từ mắm người dân có thể chế biến thành nhiều món ăn vô cùng hấp dẫn, trong đó không thể không nhắc đến nồi lẩu mắm thơm lừng. Một nồi lẩu mắm được cho là thơm ngon đúng điệu ngoài sự mặn mà, ngọt béo từ các loại cá, tôm vùng sông nước, mà còn là sự đa dạng từ các loại rau nhúng kèm, thì mới tạo được nồi lẩu mắm đúng chất.
Trong số các loại rau nhúng đó, nổi bật nhất vẫn phải là bông điên điển, nhờ độ giòn xốp, bùi bùi, ăn vào thì có hậu ngọt do thế nó luôn mang lại cảm giác khoái khẩu cho thực khách khi có dịp thưởng thức. Ngoài ra còn có hương thơm thoang thoảng cùng màu vàng tươi rực rỡ đã tô điểm cho nồi lẩu mắm thêm phần bắt mắt.
Nồi lẩu mắm cá linh hấp dẫn với đủ loại rau nhúng kèm
Bông điên điển xào tỏi
Bông điên điển xào tỏi là món ăn cực kỳ đơn giản để chế biến nhưng lại hấp dẫn vô cùng. Bông điên điển sau khi xào chín vừa giòn vừa mềm, phần tỏi phi thơm nồng kèm theo hương thơm ngào ngạt từ bông điên điển làm kích thích người ăn ngay từ hương vị đầu tiên.
Để tăng thêm vị ngọt cũng như sắc màu cho món ăn, người nấu có thể thêm giá đỗ, hẹ vào xào chung với bông điên điển. Tuy chỉ đơn giản là món rau xào đạm bạc ăn kèm theo cơm nhưng bông điên điển xào tỏi lại là món ăn không thể vắng mặt trong mỗi bữa cơm gia đình khi mùa nước về.
Bông điên điển xào tép thêm với giá, hẹ là món ăn vô cùng thanh ngọt
Bài viết này có hữu ích với bạn hay không?