VYC logo VYC TRAVEL
Banner Default

NHÀ THỜ ĐÁ PHÁT DIỆM - SỰ KẾT HỢP ĐỘC ĐÁO CỦA KIẾN TRÚC ĐÔNG - TÂY

Nếu đã có dịp đến thăm Ninh Bình - một điểm đến đang thu hút rất nhiều khách du lịch với những địa danh nổi tiếng như Đầm Vân Long, Chùa Bái Đính, Tam Cốc - Bích Động, Hang Múa,... thì chắc chắn, bạn đừng nên bỏ lỡ một địa danh cũng vô cùng thú vị, đó là Nhà thờ đá Phát Diệm.

>>> Đọc thêm: Những Địa Điểm Nhất Định Phải Check-in Tại Ninh Bình



Nhà Thờ đá Phát Diệm là một địa danh không không thể bỏ lỡ khi đến Ninh Bình
 

Nhà thờ chính tòa Phát Diệm (thường được gọi là Nhà thờ đá Phát Diệm) là một quần thể nhà thờ Công giáo rộng khoảng 22ha, nằm tại thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, cách Hà Nội khoảng 120km về hướng Nam. Quần thể kiến trúc Nhà thờ Phát Diệm đã được Bộ Văn hoá Việt Nam công nhận là di tích lịch sử - văn hoá. Hiện nay, tỉnh Ninh Bình và các nhà nghiên cứu Nhật Bản đang hoàn thiện hồ sơ về kiến trúc nhà thờ đá Phát Diệm để đề nghị UNESCO công nhận nhà thờ này là di sản văn hóa thế giới.

Nhắc đến nhà thờ đá Phát Diệm, phải kể đến tên của một nhân vật gắn liền với công trình này, đó là Cha Phêrô Trần Lục (còn gọi là cụ Sáu, 1825-1899) - Linh mục chính xứ Phát Diệm từ năm 1865 và cũng là kiến trúc sư của công trình. 

Bắt đầu từ năm 1862, Linh mục Trần Lục đã nghiên cứu về địa thế cũng như lịch sử của toàn bộ vùng đất Ninh Bình, sau đó, ông quyết định chọn Kim Sơn là nơi xây dựng một công trình riêng của những người theo Công giáo. Năm 1865, cụ Sáu bắt đầu tìm kiếm và thu góp nguyên liệu cho công trình, đến năm 1875, công trình chính thức được khởi công và đến năm 1899 thì cơ bản hoàn thành. Phát Diệm xưa vốn là vùng biển được phù sa bồi đắp, nền đất trũng, yếu khiến cụ Sáu đã phải cho nhân công đóng xuống hàng triệu cọc tre và đổ hàng nghìn khối đất đá mới đặt được nền móng vững chắc cho công trình tầm cỡ này. Tổng cộng, mất đến 34 năm để hoàn thành toàn bộ các hạng mục trong quần thể công trình.

 

Cái tên “Phát Diệm” của quần thể kiến trúc này được hiểu là phát ra cái đẹp
 

>>> Đọc thêm: Những Cái Nhất Chỉ Có Tại Chùa Bái Đính - Ninh Bình 

Quần thể nhà thờ đá Phát Diệm gồm: 1 nhà thờ lớn và 5 nhà thờ nhỏ (trong đó có một nhà thờ được xây dựng bằng đá tự nhiên, được gọi là nhà thờ đá), một Phương Đình (nhà vuông), ao hồ và ba hang đá nhân tạo. Cái tên “Phát Diệm” của quần thể kiến trúc này được hiểu là phát ra cái đẹp. Nhưng không chỉ có cái tên đẹp mà ẩn chứa trong đó còn là sự độc đáo trong chất liệu cũng như kiến trúc xây dựng của công trình.

Vật liệu xây dựng độc đáo là một trong những yếu tố tạo nên sự khác biệt của nhà thờ đá Phát Diệm. Phần lớn vật liệu xây dựng là từ đá (đá xanh, đá ngọc thạch) và gỗ…. Để có nguyên vật liệu, người dân phải vận chuyển đá hàng trăm cây số bằng đường bộ và đường thủy từ Thanh Hóa, Nghệ An, Sơn Tây về nơi đây. Những phiến đá nặng hàng chục tấn được các nghệ nhân cắt, xẻ, tách khấc kết hợp với dầu mía trộn với vôi để tạo nên các công trình trong quần thể di tích. 

 


Mộ của Cha Phêrô Trần Lục (còn gọi là cụ Sáu, 1825-1899)
 

Kiến trúc tổng thể của khu di tích này chính là điểm độc đáo tiếp theo. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa lối kiến trúc đình chùa phương Đông với với kiến trúc Gothic phương Tây. Nhìn trên tổng thể, ta sẽ thấy một quần thể nhà thờ Công giáo hiện đại nhưng lại mang dáng dấp lối kiến trúc đình chùa đặc trưng của Việt Nam. Đó là hình ảnh Chúa Giê-su, thánh giá, chùm hoa mân côi hay hình ảnh các vị Thánh,… kết hợp với hình ảnh hoa sen, chữ hán, tứ linh “long - ly - quy - phụng” hay tứ quý “tùng - cúc - trúc - mai”… được tạc khắc lên những cột, kèo, hiên, vòm cửa.

Nói về lối kiến trúc kết hợp tây ta độc đáo này, ông Nguyễn Văn Giao - hướng dẫn viên và cũng là người phục vụ trong nhà thờ cho biết: “Nói công trình này giống đình chùa là rất đúng. Cha Trần Lục có mong muốn rằng, qua công trình này có thể nói lên tính chất hòa hợp và sự hội nhập giữa đạo Công giáo với nền văn hóa dân tộc cũng như sự hòa hợp giữa Công giáo với các tôn giáo khác ở Việt Nam”.

>>> Đọc thêm: Hang Múa - Lạc Lối Trong Miền Kí Ức Xa Xưa

Từ hướng Nam đi vào nhà thờ là một hồ nước, được gọi là ao hồ, ở giữa có một hòn đảo nhỏ có đặt tượng chúa Jesus đang dang rộng cánh tay. Phía sau ao hồ là tòa Phương Đình bằng đá đồ sộ, có các góc mái uốn cong thường thấy ở các mái đình, chùa của Việt Nam. Cụm công trình ao hồ, Phương Đình với xung quanh là các cây cổ thụ lớn khiến nhiều du khách Việt Nam tới đây có cảm giác gần gũi, thân quen, như hình ảnh cây đa, giếng nước, sân đình.

 


Nhiều du khách Việt Nam tới đây có cảm giác gần gũi, thân quen, như hình ảnh cây đa, giếng nước, sân đình


Phương Đình là hạng mục công trình được hoàn thành sau cùng vào năm 1899. Phương Đình có nghĩa là “nhà vuông”, mang hình dáng của một ngôi đình làng rộng lớn, chiều ngang 21m, sâu 17m, cao 25m. Tầng dưới lớn nhất, nếu bỏ đi hai lối lên gác thì phần giữa có hình dáng của một cổng tam quan trong kiến trúc truyền thống, được xây dựng bằng đá xanh với kỹ thuật thủ công tinh xảo. Trên các vách có phù điêu bằng đá tạc một số vị thánh và sự tích chúa Giê-su từ khi vào thành Giêrusalem đến khi lên trời.

Trong hệ thống 5 nhà thờ nhỏ ở Phát Diệm có một ngôi được làm hoàn toàn bằng đá có tên là Trái Tim Đức Mẹ - công trình được cụ Sáu cho xây đầu tiên trong cụm di tích này. Nhà thờ dài 15,3m, rộng 8,5m, cao 6m. Hầu hết nền, cột, xà, tường, chấn song, tháp hay bàn thờ đều bằng đá, do đó người Phát Diệm quen gọi là nhà thờ đá. Trong khuôn viên nhà thờ còn có một bức tượng Đức Mẹ Maria mặc áo dài, đội mấn và quấn khăn rằn, tượng trưng cho sự hoà hợp của ba miền Bắc - Trung - Nam về văn hoá cũng như tôn giáo. Quả thực, ở thời đó, tư tưởng của cụ Sáu có thể ví là bậc vĩ nhân.

 


Nhà thờ đá Phát Diệm chẳng thay đổi so với lúc mới xây
 

Trải qua hơn 100 năm tồn tại, dù chịu nhiều tác động từ thiên tai, chiến tranh, nhưng công trình vẫn vững chãi và được giữ gìn gần như nguyên trạng cho đến ngày nay. Đây không chỉ là một công trình có giá trị về mặt thẩm mỹ, kiến trúc, mà còn là một di sản văn hoá hoà trộn Đông - Tây vô cùng quý báu của dân tộc. Bên cạnh những danh lam thắng cảnh của vùng đất Ninh Bình xinh đẹp, quần thể nhà thờ đá Phát Diệm chắc chắn sẽ là một điểm đến níu chân du khách, bởi tại nơi này, kiến trúc Đông - Tây bỗng hoà hợp lạ lùng và ẩn hiện trong đó chính là cái hồn của tôn giáo, của dân tộc.

Xem thêm:

Tràng An Đẹp Tựa Nàng Thơ

Quần Thể Tam Cốc - Bích Động - Khung Cảnh Nên Thơ Của "Vịnh Hạ Long Trên Cạn"



x (x)
x (x)
Bài viết này có hữu ích với bạn hay không?
Rất hữu ích Rất hữu íchRất hữu ích
Hữu ích Hữu íchHữu ích
Không hữu ích Không hữu íchKhông hữu ích

Xem thêm

Thông tin du Lịch

Kinh Nghiệm du Lịch

Banner VYC
Facebook messenger