VYC logo VYC TRAVEL
Banner Default

ĐẾN HUẾ THƯỞNG THỨC ẨM THỰC CUNG ĐÌNH

Tìm hiểu về Huế, ta không chỉ nhìn ngắm những công trình kiến trúc cổ kính còn lưu giữ, ta còn có thể hiểu thêm về văn hóa cố đô bằng cách thưởng thức những món ăn nơi đây. Ở nơi này, từ món bé nhất cho đến món lớn nhất, mọi thứ, từ những chi tiết be bé đều toát lên đặc trưng của ẩm thực cung đình.
 

Cung đình Huế nhìn từ trên cao

 
Thành phố Huế có một sự yên ắng lạ kỳ, ở đây không có khải niệm vồn vã, không có sự náo nhiệt, có lẽ ở vùng đất cố đô này người ta quý phái lắm, trong từng cái ăn, cái đi đứng, ăn mặc, giao tiếp,... Những điều nhỏ nhoi nhưng đã hình thành nên nét văn hóa độc đáo của vùng kinh đô kéo dài 143 năm này. Ngoài không gian tĩnh mịch, Huế còn thu hút bởi rất nhiều thứ lạ, đây là nơi có taxi rẻ bậc nhất Việt Nam, vậy nên ta không phải đắn đo chuyện đi lại là mấy. Nhưng muốn hiểu hơn về cố đô, bạn phải thử thuê xích lô để đi dạo mới được, nhất là khi đêm về, khi mà ánh đèn của hoàng cung được thắp sáng, lúc đó ta mới cảm nhận được cung thành lung linh thế nào. 
 

Thành phố Huế yên bình bên những chiếc xích lô ngược xuôi

Với tôi, Huế đẹp nhất khi về đêm, không chỉ bởi thứ màu sắc lấp lánh huyền ảo không mà còn qua lời dẫn của chú phu đạp xe, chú nói rằng xưa kia phải thuộc hàng quý tộc mới được vào đây chứ dân thường thì bị phạt chết. Tôi bảo Huế thì đẹp nhưng vì là miền Trung nên mùa nào cũng nóng, cần lắm một chén chè cung đình giải nhiệt thôi. Khi xe vừa tấp vào một quán sát thành nội, cô bán chè đã đon đả ra chào mời bằng giọng Huế có đôi chút cường điệu, cô khoe cô là hậu duệ đời thứ bao nhiêu đến bao nhiêu rồi chẳng nơi nào có món chè hạt sen cũng như rượu Minh Mạng tốt như nhà cô đây. Trong lòng tôi không tin mấy nhưng vẫn thấy vui, vì cái sự nhiệt tình của cô đã đánh bật cái thanh âm trong trẻo vốn trầm lặng nơi này, có khi nhờ vậy mà món chè có vị ngon hơn hẳn. Chè hạt sen vốn rất tốt cho sức khỏe, có tính an thần cao, giúp dễ ngủ, vị của cô làm cũng không ngọt gắt, nó thanh và mát hơn hẳn ở Sài Gòn. Nếu bạn tìm đến Huế để tâm hồn được thư thả, nhất định phải thử một chén chè để kết thúc một buổi tối, chờ một ngày mới bắt đầu.
 

Huế về đêm lung linh ánh đèn
 

Chè là món ăn đa dạng và hấp dẫn tại thành phố này
 
Sáng ra, tôi tranh thủ ghé chợ để ăn món bún bò gánh, không phải loại bún có thương hiệu gì cao sang đâu mà nó đúng như tên gọi: “bún bán trên các gánh”. Một sáng như vậy người ta chỉ vừa gánh vừa bán vài chục tô, mỗi tô thì bé tí ti, nhưng chậm trễ sẽ không có cơ hội nếm thử. Ở Huế món ăn nào cũng chỉ có một chút xíu bởi ẩm thực của Huế đúng với nghĩa “thưởng thức”, mọi thứ từ chén chè, tô bún, bún hến,... đều rất ít, đây là nét văn hóa cung đình mang lại, vua chúa ngày xưa ăn mỗi thứ một ít nên tại thành phố này muốn ăn nhiều thì phải gọi nhiều phần. Trở lại với bún bò gánh, người ta hay ngại ăn bởi cho rằng đồ trên gánh không giữ được độ nóng, nhưng đó là khi bạn chưa biết được bí kíp của những chiếc gánh này. Họ nấu nước lèo trong một chiếc chum, hỏi thì họ chia sẻ đó là cái nồi gia truyền, nấu nước trong chiếc chum đấy thì nước sẽ giữ được độ nóng rất cao không lo bị nguội. Nói về hương vị thì không chê vào đâu được, vị ngọt của giò và thịt bò hòa với món ruốc Huế cùng ớt khiến bạn không thể nào dừng ở tô thứ nhất được. Ruốc có lẽ là thành phần quyết định sự khác biệt rõ nét nhất vì nó rất thơm mà không có mùi tanh, còn chả thì không phải món chả lá chuối như ở Sài Gòn, thay vào đó người ta vo viên giò sống và thêm cả huyết để ăn cùng. Một lưu ý là ớt miền Trung rất cay, nó là loại sa tế có ớt hẳn hoi nên không quen thì cho ít thôi, nếu không sẽ “xé lưỡi” mất.


Bún bò gánh đúng kiều được nấu trong chiếc nồi gia truyền
 
Món ngon tiếp theo mà ta không thể bỏ lỡ chính là bánh cuốn - bún thịt nướng Kim Long. Đây là quán ăn thật sự “náo nhiệt” so với không khí ở Huế. Thường thì trước khi ghé chùa Thiên Mụ, tôi sẽ đến đây ăn, vừa thuận đường vừa ngon miệng, tiệm này nằm trong hẻm rất gần chùa. Lần đầu tôi đến khá bở ngỡ vì họ treo bảng: “hôm nay nghỉ bán” ngay đầu hẻm, thế nhưng người ra kẻ vào lại tấp nập, khiến tôi hoang mang lạ. Anh phục vụ thoáng thấy tôi đi một mình nên mời vào, anh nói đông khách quá không làm kịp nên treo bảng thế thôi. Ở đây chỉ bán hai món là bún thịt nướng và bánh cuốn nên tôi gọi mỗi thứ một phần. Vừa thấy đĩa bánh cuốn tôi lại hoang mang tiếp, nó không phải như bánh cuốn trong Nam, ở đây họ cuốn chúng thành một khúc lớn, bên trong có thịt nướng và lá cây gì đó rất thơm, một đĩa có tầm 3 cuốn thôi nhưng ăn rồi mới hiểu lý do nổi tiếng của quán này. Thịt nêm rất vừa ăn, bánh không bị chua và cái lá ấy thơm cực kỳ, đó là một sự khác biệt trong cảm nhận hương vị đồ ăn mà bất ký ai cũng nhận thấy. Bún thịt nướng có loại sốt cũng độc đáo vị beo béo nhưng không hấp dẫn như món bánh cuốn. Kể từ đó, mỗi lần ghé Huế, tôi đều phải ghé Kim Long ăn cho bằng được, dù nó có treo bảng: “hôm nay nghỉ bán”.
 

Ẩm thực Kim Long nổi tiếng với món bún thịt nướng và bánh cuốn

 

Bánh cuốn ở Huế dùng với loại nước chấm đặc biệt
 
Cuối cùng, tôi chọn Mụ Đỏ làm bữa tối của chính mình, Mụ Đỏ là tên gọi của quán ăn bánh bột lọc nổi tiếng nhất thành phố Huế. Rất nhiều người nghĩ giá cả ở đây đắt nhưng tôi thấy nó rất đáng tiền, bởi từng chiếc bánh bé xíu đều làm bằng tay, đặc biệt là món chả tôm. Tôi đã ăn ở đây từ hồi quán còn bé tí cho đến khi nó mở rộng như bây giờ nhưng chưa bao giờ thấy phiền lòng bởi sự đổi thay. Bánh bèo họ làm thành mâm, mỗi chén là một bánh mỏng dính với tép mỡ (da heo) và tôm ở phía trên, ăn rất ngon mà không bị ngán. Chả tôm ở đây có thể gọi là đỉnh cao, họ bóc vỏ từng con tôm tươi và giã chúng bằng tay cho đến khi chúng kết dính lại rồi đem hấp, và vì sự công phu này mà tôi thấy rất xứng đáng khi bỏ tiền ra ăn dù một đĩa chỉ có một chút. Có lẽ vì nguyên liệu tươi nên không có mùi tanh mà ngược lại rất ngọt, cái vị ngọt mà bản thân mình chưa tìm thấy được nơi nào làm được. Các món khác như bánh nậm, ích trần, bột lọc, ích trắng... bưng lên đều nóng hổi và rất ngon, riêng bánh ít trắng lạ miệng bởi có một lớp bột chiên ép vào bánh vừa béo vừa giòn. 
 

Bánh bèo của Mụ Đỏ bày thành khay, lớp bánh mỏng, ăn không bị ngán
 

Các loại bánh mang đậm hương vị Huế được chế biến khá cầu kỳ

 
Đó là về mùi vị, nếu bạn muốn trải nghiệm một bữa ăn theo phong cách cổ kinh thật sự thì hãy đến những nhà hàng theo phong cách cung đình. Từ chiếc cửa gỗ cao cho đến cách bài trí từng chiếc cột, bán ăn, ghế ăn đều bằng gỗ kết hợp với những ô đèn be bé hệt như những thước phim trong “Ngọn nến Hoàng Cung”. Điều khiến tôi thích nhất là các loại gia vị ở đây, mỗi món ăn đều có những loại gia vị riêng và chúng được đựng trong những chiếc chén có nắp bằng sứ với hoa văn cầu kỳ, trông rất đẹp mắt. Các nhân viên phục vụ mặc những chiếc áo dài với giọng Huế đầy mặn mà, cung cách đầy mực thước, đôi lúc khiến mình quên mất thực tại, đưa hồn trở về quá khứ xa xưa. Từng món ăn được bày trí rất công phu, tỉ mỉ, có thể nói ta ăn bằng cả 5 giác quan và việc ăn như một cách thưởng thức nghệ thuật chứ không đơn thuần chỉ để “no bụng” thông thường. Không chỉ ở nhà hàng Cung đình mà bất kỳ quán ăn to nhỏ lớn bé trên đất cố đô đều chú trọng chuyện bày trí, nét văn hóa cung đình dường như đã đi sâu vào tiềm thức của mỗi người dân nơi đây.
 

Trải nghiệm một đêm với món ăn "Tiến Vua"
 
Huế trong lòng mỗi thực khách không chỉ là những món ăn ngon mà ẩn sâu trong đó, ta hiểu được về ẩm thực cung đình, thứ ẩm thực biểu trưng cho sự tinh túy của thời đại, nơi mà mỗi người làm bếp đều là những nghệ nhân thật sự. Nếu hiểu về ẩm thực Huế rồi, ta nhất định sẽ cứ muốn đến thăm nó hoài, sẽ chẳng thể tìm được lý do nào để mà chê nó “buồn”, bảo nó “chán” nữa.
Bài viết này có hữu ích với bạn hay không?
Rất hữu ích Rất hữu íchRất hữu ích
Hữu ích Hữu íchHữu ích
Không hữu ích Không hữu íchKhông hữu ích
Tên Tour Ngày khởi hành Giá Tour
ĐÀ NẴNG – SƠN TRÀ - HỘI AN – BÀ NÀ – HUẾ - ĐỘNG THIÊN ĐƯỜNG

27/12/2024

4.050.000

Xem thêm

Xem thêm

Ý kiến khách hàng

Thông tin du Lịch

Kinh Nghiệm du Lịch

Banner VYC
Facebook messenger