VYC logo VYC TRAVEL
Banner Default

TỨ ĐẠI ĐÈO Ở MIỀN BẮC VIỆT NAM - KHI THIÊN NHIÊN THÁCH THỨC CON NGƯỜI

Tứ đại đèo” có lẽ là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất khi du khách bước vào cung đường khám phá vùng núi cao phía Bắc Việt Nam. Đặc biệt đối với dân phượt thì việc chinh phục tứ đại đèo miền Bắc là một điều không thể bỏ lỡ trong kế hoạch chinh phục những cung đường Việt Nam. Tuy mang vẻ chơi vơi, đầy trắc trở nhưng phong cảnh tại đây được ví như chốn bồng lai nơi hạ giới khiến người đến không khỏi trầm trồ. "Tứ đại đèo" trong huyền thoại chính là: Mã Pí Lèng, Ô Quy Hồ, Khau PhạPha Đin

>>> Đọc thêm: Những Địa Điểm Ngắm Cánh Đồng Lúa Chín Vàng Đẹp Nao Lòng Ở Miền Bắc

1. Đèo Mã Pí Lèng

Đèo Mã Pí Lèng thuộc địa phận tỉnh Hà Giang, nằm trên con đường mang tên Hạnh Phúc, nối liền thành phố Hà Giang, thị trấn Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc. Đây là cung đường đèo hiểm trở dài khoảng 20km, thuộc Cao nguyên Đồng Văn, đỉnh đèo Mã Pí Lèng có độ cao khoảng 1.200m so với mực nước biển . 

 

Đèo Mã Pí Lèng thuộc địa phận tỉnh Hà Giang, nằm trên con đường mang tên Hạnh Phúc, nối liền thành phố Hà Giang, thị trấn Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc
 
Cái tên đèo Mã Pí Lèng (âm đọc khác: Mã Pì Lèng, Mã Pỉ Lèng), theo tiếng Quan Hỏa được dịch với nghĩa gốc là sống mũi con ngựa, khúc khuỷu, gập ghềnh. Còn theo nghĩa chuyển muốn nói đến sự nguy hiểm, cheo leo của đỉnh núi, nơi khiến cho cả người lẫn ngựa khi leo lên chỉ có một cảm giác kiệt sức muốn tắt thở. Đấy là một con đường chông chênh, nhỏ hẹp, uốn lượn trên những vách đá cùng những khúc cua đầy thử thách, là một trong những cung đường ưa thích của các tay phượt thủ chuyên nghiệp. 
 

Đèo Mã Pí Lèng là cung đường đèo hiểm trở dài khoảng 20 km

Con đường đèo Mã Pí Lèng được hàng vạn thanh niên xung phong thuộc 16 tộc người của 8 tỉnh miền Bắc làm trong suốt 6 năm (1959 – 1965), riêng đoạn đường vượt qua đỉnh đèo được các thanh niên trong đội cảm tử treo mình trên vách núi lấn từng cm để làm trong 11 tháng. Không uổng công những tháng ngày xây dựng vất vả và đầy gian khó, con đường đèo Mã Pí Lèng đã có tác dụng rất lớn đối giao thông với khu vực miền núi phía Đông Bắc.

Bên cạnh đó, khi lên được đến đỉnh đèo, du khách có thể chiêm ngưỡng toàn bộ không gian phía dưới với phong cảnh hùng vĩ và đầy ngoạn mục. Thời điểm thích hợp nhất để chinh phục đèo Mã Pí Lèng chính là vào mùa xuân, khi trăm hoa đua nở, những cánh đồng hoa cải nở rộ vàng ươm và những gốc đào lấm tấm sắc hồng duyên dáng. Không gian ngút ngàn và đầy hương sắc ấy chính là những điều khơi dậy bước chân của bao du khách.

 

Thời điểm thích hợp nhất để chinh phục đèo Mã Pí Lèng chính là vào mùa xuân, khi ấy trăm hoa đua nở
 
Từ đỉnh đèo Mã Pí Lèng nhìn xuống du khách còn nhìn thấy dòng sông Nho Quế hiền hòa, quanh năm xanh mướt, uốn lượn mềm mại theo chân núi. Nước tại đây rất sạch và trong đến mức du khách có thể thấy những chú cá nhỏ đang vẫy vùng bơi lội dưới đáy sông. 
 

Từ đỉnh Mã Pí Lèng nhìn xuống du khách sẽ thấy dòng sông Nho Quế hiền hòa

Với địa thế hiểm trở, cảnh quan hoang sơ hùng vĩ nhưng không kém phần thơ mộng, đèo Mã Pí Lèng xứng đáng là một trong "tứ đại đèo" miền Bắc Việt Nam.

>>> Đọc thêm: Khám Phá Công Viện Địa Chất Bậc Nhất Việt Nam - Cao Nguyên Đá Đồng Văn

2. Đèo Ô Quy Hồ

Nằm trên tuyến quốc lộ 4D cắt ngang dãy Hoàng Liên Sơn, vừa nối liền và vừa là ranh giỡi của hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu, đèo Ô Quy Hồ hay còn được gọi đèo Hoàng Liên Sơn là một trong số những cung đường đèo dài, hiểm trở và hùng vĩ bậc nhất của vùng Tây Bắc

 

Đèo Ô Quy Hồ nằm trên tuyến quốc lộ 4D cắt ngang dãy Hoàng Liên Sơn

Nếu tên gọi của đèo Mã Pí Lèng được đặt do hình dáng thì cái tên của đèo Ô Quy Hồ lại bắt nguồn từ tiếng kêu da diết của một loài chim, gắn với huyền thoại về tình yêu sâu đậm nhưng bị chia cắt của một đôi trai gái. Đèo Ô Quy Hồ có độ cao khoảng 2.073m, độ dài 50km, dài gấp đôi chiều dài đèo Mã Pí Lèng. Chính nhờ vào chiều dài “khủng” cũng như độ cao “đỉnh” mà Ô Quy Hồ đã trở thành một trong tứ đại đèo hùng vĩ của Việt Nam.
 

Đèo Ô Quy Hồ có độ cao khoảng 2.073m, độ dài 50km, dài gấp đôi chiều dài đèo Mã Pì Lèng

Từ đỉnh đèo Ô Quy Hồ, du khách sẽ có cơ hội quan sát toàn cảnh cung đường vượt đèo kì vĩ dành cho những chiếc ô tô hay xe máy đang chạy bon bon xuyên qua núi rừng để đến Sapa hay Bình Lư. Nếu gặp hôm trời quang mây tạnh, du khách sẽ còn được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiêu kỳ đầy thách thức của đỉnh núi Fansipan ở tít xa.
 

Từ đèo Ô Quy Hồ du khách sẽ dễ dàng chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiêu kỳ đầy thách thức của đỉnh núi Fansipan ở tít xa

Chinh phục đèo Ô Quy Hồ du khách sẽ dễ dàng cảm nhận vẻ đẹp đầy biến hóa và huyền ảo. Nếu phía Lào Cai chìm đắm trong sương mù giăng kín lối thì phía Lai Châu lại tràn ngập những tia nắng ấm. Mùa hạ mây phủ bồng bềnh, đông về lại kéo tuyết khắp mọi nơi, những bông tuyết bay phất phơ nhuộm trắng cả cánh rừng, mang đến sự hấp dẫn không thể chối từ cho du khách. 

>>> Đọc thêm: Sa Pa - Nấc Thang Lên Thiên Đường 

3. Đèo Pha Đin

Trong những năm kháng chiến chống Pháp, đèo Pha Đin đóng vai trò quan trọng khi nằm trên tuyến đường huyết mạch tiếp tế quân nhu, vũ khí, đạn dược và lương thực cho quân đội, góp phần cho sự thắng lợi vẻ vang của chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) của quân và dân Việt Nam.

 

Đèo Pha Đin có vai trò quan trọng trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Đèo Pha Đin nằm trên quốc lộ 6 chạy dọc các tỉnh Tây Bắc, có độ cao 1.648m, độ dài 32km, được xem là một trong 6 đèo ấn tượng nhất Việt Nam. Đây là con đèo nối liền tỉnh Sơn La và tỉnh Điện Biên, nằm trong cao nguyên Tả Phìn Tây. Trong tiếng của tộc người Thái, "Pha Đin" có nghĩa là ranh giới giữa trời và đất, ngụ ý cho thấy phần nào về sự nguy hiểm của nó.

Đèo Pha Đin có địa thế một bên là vách núi cheo leo, một bên là vực sâu thăm thẳm. Dù hiểm nguy đến vậy nhưng cũng chẳng ngăn được niềm khát khao chinh phục của các tay phượt thủ bởi vẻ đẹp đầy mê hoặc.

 

Đường đèo có địa thế vô cùng nguy hiểm khi một bên là vách núi cheo leo, một bên là vực sâu thăm thẳm

Nếu quan sát từ xa, cung đường đèo tựa như một sợi dây thừng khổng lồ đang buộc nối những quả núi lại gần với nhau. Từng khúc quanh đầy ngoạn mục đều góp phần tạo nên vẻ đẹp riêng biệt cho ngọn đèo Pha Đin. Từ trên cao nhìn xuống, cả một đoạn đèo hiện ra nổi bật trên màu xanh mướt; những làng bản nhỏ ẩn hiện trong mây sương quá đỗi bình yên làm tiêu tan bao nhiêu mệt mỏi của lữ khách đường xa.
 

Những làng bản nhỏ nép mình yên bình giữa những thửa ruộng bậc thang tươi tốt

Từ trên đèo nằm ở phía Điện Biên, du khách có thể chiêm ngưỡng được bao quát sự mênh mông của thung lũng Mường Chài. Tháng ba có lẽ là giai đoạn đẹp nhất của đèo Pha Đin, vì khi ấy hoa ban đang nở rộ trắng trời tại vùng Tây Bắc, vào dịp này du khách sẽ có những cái nhìn cận cảnh về vẻ đẹp đầy khác lạ của núi rừng.

>>> Đọc thêm: Mùa Hoa Ban, Hoa Mận, Hoa Đào Ở Vùng Núi Tây Bắc Việt Nam 

4. Đèo Khau Phạ

Nổi danh với những khúc cua đầy lắt léo và độ dốc đứng hàng bậc nhất so với các ngọn đèo nằm trong lãnh thổ Việt Nam, đèo Khau Phạ xứng đáng lọt vào danh sách “tứ đại đèo” miền Bắc Việt Nam. Đèo Khau Phạ có chiều dài khoảng 30km, độ cao so với mặt nước biển từ 1.200 – 1.500m, thuộc quốc lộ 32 nối huyện Văn Chấn và huyện Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái.

 

Đèo Khau Phạ có chiều dài khoảng 30km, độ cao so với mặt nước biển từ 1.200 – 1.500m

Nhìn từ xa, đèo Khau Phạ trông giống như chiếc sừng mọc nhô lên chọc trời giữa núi rừng Tây Bắc. Vì thế tên gọi của đèo có nghĩa là “Sừng Trời” – theo ngôn ngữ của tộc người Thái. Để chinh phục được con đường đèo này thực sự là một điều vô cùng khó khăn, do hai phần ba mặt đường trên tổng chiều dài chủ yếu là sỏi đá, phần đường ngắn đẹp hơn là đoạn đi từ Mù Căng Chải qua Tú Lệ.

Tuy nhiên trên suốt cung đường đèo du khách sẽ phải vượt qua nhiều đoạn cua gấp khúc và hầu như không có bất kì rào chắn hay biển cảnh báo nào. Những người muốn chinh phục cung đường đèo này phải là những tay lái thực thụ, chuyện nghiệp cùng độ nhạy bén cao, phản xạ nhanh mới có thể vượt qua được.

 

Những khúc cua gấp khúc đầy nguy hiểm của đèo Khau Phạ là một bài toán khó cho các bác tài

Thời tiết tại đèo Khau Phạ mát mẻ quanh năm, một ngày tại đây có đầy đủ bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông. Giai đoạn đẹp nhất của đèo Khau Phạ là vào mùa lúa chín, từ tháng 9 tháng 10, khi ấy từ trên ngọn đèo nhìn xuống, những thửa ruộng bậc thang Tú Lệ chín vàng nặng trĩu hạt, bát ngát hương thơm, tạo nên một phong cảnh hữu tình khiến du khách ai nấy cũng đều mê say.
 

Những thửa ruộng bậc thang Tú Lệ chín vàng nặng trĩu hạt, bát ngát hương thơm 
 
Ở vùng này có đặc sản nếp Tú Lệ rất nổi tiếng. Trước khi vượt đèo Khau Phạ, du khách có thể dừng chân thưởng thức nắm xôi nếp ven đường để tiếp thêm năng lượng, chuẩn bị cho chặng đường đầy trắc trở nhưng không kém phần thú vị.
 

Khung cảnh thiên nhiên an bình tại chân đèo Khau Phạ

Khám phá tứ đại đèo miền Bắc Việt Nam, du khách sẽ cảm nhận được rõ ràng sức mạnh tinh thần và ý chí quyết tâm của con người. Hành trình chinh phục cung đường tứ đại đèo miền Bắc cũng chính là hành trình vượt qua những giới hạn của bản thân và tận hưởng vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên nước ta, để từ đó thêm yêu hơn cảnh vật quê hương, Tổ quốc.

Xem thêm:

Tinh Hoa Ẩm Thực Miền Bắc

Đỉnh Thiêng Yên Tử

Đường Đến Biển Mây - Cho Mùa Săn Lí Thú

Phở - Món Ăn Mang Quốc Hồn Quốc Túy Của Người Việt

Vịnh Hạ Long - Kỳ Quan Thiên Nhiên Thế Giới

Núi Bài Thơ - Ngọn Núi Của Thi Ca Và Những Điều Bí Ẩn Tuyệt Diệu

Những Món Ăn Không Thể Bỏ Qua Khi Đế Hạ Long

Những Cái Nhất Chỉ Có Tại Chùa Bái Đính - Ninh Bình

Tinh Hoa Ẩm Thực Miền Bắc

Đỉnh Thiêng Yên Tử

Thú Vị Chuyện Dinh Thự Vua Mèo Vương Chính Đức


 
Bài viết này có hữu ích với bạn hay không?
Rất hữu ích Rất hữu íchRất hữu ích
Hữu ích Hữu íchHữu ích
Không hữu ích Không hữu íchKhông hữu ích

Xem thêm

Ý kiến khách hàng

Thông tin du Lịch

Banner VYC
Facebook messenger