VYC logo VYC TRAVEL
Banner Default

PERSEPOLIS - PASARGADAE DI CHỈ KHẢO CỔ SỐ 1 Ở IRAN

Cố đô Persepolis thuộc triều đại thứ II của Đế quốc Ba Tư, vô cùng đặc sắc với kiểu kiến trúc từ thời Ba Tư cổ đại. Tất cả những nét chạm trổ trên những công trình đều thể hiện đời sống, văn hóa của người Ba Tư thời kỳ Achaemenid. Persepolis nhằm mục đích phục vụ cho vương triều lúc bấy giờ và còn là nơi mà các người thợ thủ công Ba Tư cổ đại có dịp thể hiện mình.


Cung điện Apadana vẫn còn giữ được những chạm khắc xưa cũ

Persepolis trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “Đô thị của người Ba Tư”. Di tích văn hóa lịch sử này có niên đại từ thế kỷ VI trước Công Nguyên (TCN). Thành phố này được xem là biểu tượng cho sự hưng thịnh của đế chế Ba Tư bởi nền kiến trúc đồ sộ với các công trình xa hoa dát vàng bạc và các tác phẩm điêu khắc tuyệt đẹp. 

Cố đô Persepolis lộng lẫy với các cung điện, dinh thự nguy nga, tráng lệ, nhất là Cung điện Apadana. Được xây dựng vào năm 515 TCN và mất một khoảng thời gian rất lâu để hoàn thành, đợt đầu mất 30 năm, rồi sau đó mất thêm 150 năm để bổ sung và hoàn chỉnh. Đây là sự kết hợp hoàn hảo giữa vật liệu và tài năng của các nghệ nhân trên khắp cả nước tạo ra.
 

Một góc chạm khắc của Cung điện Apadana

Những cột đá trắng, những đền đài mang dấu ấn của người Lưỡng Hà và phù điêu đắp nổi trên đá đậm phong cách Ba Tư, pha lẫn màu sắc của Syria, Tiểu Á, Ai Cập làm toát lên vẻ tinh hoa của thời đại. Cung điện Apadana là nơi phục vụ cho việc chính sự và ngoại giao của đế quốc này. Đây thật sự là một kiệt tác nghệ thuật biểu trưng cho linh hồn và tư tưởng Ba Tư mang tầm quốc tế.
 

Persepolis là Kinh đô nghi lễ của Đế quốc Ba Tư Cổ Đại

Năm 320 TCN, Alexander Đại đế đã đánh đến thành Persepolis này, cho binh lính nghỉ lại hai tháng. Đột nhiên ông nhớ đến chuyện cũ, chuyện hoàng đế Ba Tư Xerxes tiến đánh Hy Lạp từ hơn một thế kỉ trước đó. Và khi lửa bùng lên thì mọi người tin rằng Alexander đã cố tình đốt thành để trả món nợ tại Athens năm xưa. Trước khi đốt ông còn vét hết toàn bộ kho báu kết xù trong ngân khố, chất lên 3.000 con lạc đà đem về xứ sở của chính mình.

Việc khai quật khu di tích vào những năm 1930 cho thấy tác động của lửa đã làm hư hại khá nghiêm trọng một số công trình nơi đây. Chiến tranh và thời gian đã làm nơi đây gần như biến thành phế tích nhưng vẫn lưu giữ trọn vẹn các giá trị minh chứng vĩ đại cho sự của đế quốc Ba Tư cổ đại. Persepolis đã được UNESCO công nhận là  Di sản thế giới năm 1979.
 
Pasargadae nằm ở vùng đồng bằng sông Polvar, thuộc trung tâm Pars, là kinh đô triều đại đầu tiên của Đế chế Achaemenid (thành lập bởi Cyrus Đại Đế). Quần thể di tích khảo cổ Pasargadae có diện tích 160 ha bao gồm: Lăng mộ Cyrus II; Tall Takht- E, sân thượng, cung điện và khu vườn. Pasargadae là thủ đô của đế chế đa văn hóa lớn đầu tiên trên thế giới vì có sự kết hợp đa dạng bởi tinh hoa của các dân tộc khác nhau. UNESCO đã công nhận Di tích Pasargadae của Iran là Di sản văn hóa thế giới năm 2004.

 

Pasargadae là kinh đô triều đại đầu tiên của Đế chế Achaemenid

Nổi bật nhất trong quần thể Pasargadae là Lăng mộ Cyrus Đại Đế (Cyrus II) - một người được xem là "Vua của các vị vua" trong lịch sử Ba Tư. Ông là Hoàng đế sáng lập ra Đế quốc Ba Tư hùng cường dưới triều đại Achaemenid. Bằng cách chinh phạt nhiều nơi Cyrus Đại đế đã biến cùng đất rộng lớn này thành một Đế quốc thịnh vượng và uy quyền trên toàn khu vực. Lăng mộ này đã từng bị phá hủy sau đó được tu bổ lại và đến nay vẫn còn khá nguyên vẹn, ở trong tình trạng bảo quản tốt.

Người ta gọi ông là "Hoàng đế của bốn phương Trái Đất" hay "Vị vua Mặt Trời". Bởi cách mà ông cai trị đất nước vô cùng anh minh và khác biệt. Những chính sách của ông đương thời được xem là tự do và tôn trọng nhân quyền. Ngoài ra cách đối xử của ông với những dân tộc mà mình đã chinh phạt hoàn toàn khoan dung, khác với những nhà chinh phạt cùng thời kỳ này.

Lăng mộ Cyrus Đại Đế nằm trong công viên Hoàng gia Ba Tư thuộc cố đô Pasargadae. Lăng mộ có kiến trúc không quá cầu kỳ nhưng lại rất đẹp mắt, mang ảnh hưởng từ ngôi mộ xứ Lydia. Tựa như hình dáng của một căn nhà có mái hơi nhọn, lăng mộ được xây dựng bằng đá sa thạch trắng. Trong lịch sử có lần lăng mộ này đã bị tàn phá song bằng tất cả sự tôn kính của Alexander Đại Đế đã cho khôi phục lại lăng tẩm này. 

Theo nhà sử học danh tiếng Samuel Willard Cromptom, khi cảm nhận được tuổi già và cái chết đang đến, Cyrus Đại Đế đã ra lệnh cho các thợ xây người Lydia bắt đầu xây dựng lăng mộ cho chính mình. Sau này dù cố đô Pasargadae – một trong bốn kinh đô của đế chế Ba Tư đã sụp đổ hoàn toàn song Lăng mộ Cyrus Đại Đế vẫn nguyên vẹn. 

 

Nổi bật nhất trong quần thể Pasargadae là Lăng mộ Cyrus Đại Đế (Cyrus II) - một người được xem là "Vua của các vị vua"

Cả hai cố đô Persepolis và Pasargadae tại đất nước Iran huyền bí đều sở hữu những di tích khảo cổ vô cùng quan trọng. Chúng thể hiện những giá trị văn minh một thời của Đế Quốc Ba Tư hùng mạnh và tính thẩm mỹ trong nghệ thuật kiến trúc cổ đại. Dù những di tích khảo cổ này đã ít nhiều bị tàn phá nhưng sức hút của nó trong lòng du khách quốc tế vẫn chưa bao giờ thay đổi được.
Bài viết này có hữu ích với bạn hay không?
Rất hữu ích Rất hữu íchRất hữu ích
Hữu ích Hữu íchHữu ích
Không hữu ích Không hữu íchKhông hữu ích

Xem thêm

Ý kiến khách hàng

Thông tin du Lịch

Kinh Nghiệm du Lịch

Banner VYC
Facebook messenger