VYC logo VYC TRAVEL
Banner Default

HOA LƯ - KINH ĐÔ ĐẦU TIÊN CỦA NHÀ NƯỚC PHONG KIẾN TẬP QUYỀN Ở VIỆT NAM

Cách Hà Nội 100km, cố đô Hoa Lư thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Nơi đây không chỉ được biết đến là cố đô với nhiều di tích lịch sử có giá trị mà còn là điểm tham quan với nhiều thắng cảnh hấp dẫn chờ đón quý du khách khám phá.

>>> Đọc thêm: Kỳ Lạ Tượng Thái Hậu Dương Vân Nga Đặt Trong Đền Thờ Vua Lê Đại Hành

Hoa Lư là kinh đô của nước Đại Cồ Việt từ năm 968 đến năm 1010. Vùng đất này có địa thế hiểm trở, núi non trùng điệp, núi trong sông, sông trong núi, căn cứ thủy bộ rất thuận tiện, sau lưng là núi, trước mặt là đồng bằng, xa nữa là biển cả… Địa thế hùng vĩ, dễ thủ khó công, thời bình thì tăng gia nông nghiệp thuận tiện, thời chiến thì điều binh, vận chuyển nhanh chóng, tiến thoái đều dễ dàng.  Đinh Bộ Lĩnh quả nhiên đã có quyết định sáng suốt khi chọn đóng đô tại Hoa Lư, nơi đây còn có non sông tráng lệ, phong thủy hài hòa, hoàn toàn xứng đáng với vai trò là đế đô của hai vương triều hùng mạnh bậc nhất lịch sử Việt Nam.
 


Một cái nhìn toàn cảnh về cố đô Hoa Lư
 

Kinh đô Hoa Lư tồn tại được 42 năm, trong đó 12 năm đầu là triều Đinh (968 - 980), 29 năm kế tiếp là triều Tiền Lê (980 - 1009) và 1 năm (1009 - 1010) là triều Lý. Năm 1010, khi vua Lý Thái Tổ dời kinh đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thăng Long (Hà Nội), Hoa Lư trở thành Cố đô.
 


Cổng chính vào cố đô Hoa Lư với cảnh sắc thiên nhiên hữu tình


Cố đô Hoa Lư hiện nay với diện tích 13.87 km² nằm trọn trong Quần thể di sản thế giới Tràng An thuộc địa phận tỉnh Ninh Bình. Nơi đây là quần thể kiến trúc, di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt quan trọng cần được ưu tiên gìn giữ hàng đầu của Việt Nam, được tổ chức UNESCO công nhận là một trong bốn vùng lõi thuộc quần thể di sản Thế giới Tràng An. Cùng với bề dày lịch sử lên tới hơn 1000 năm, nơi đây là nơi lưu giữ các di tích lịch sử qua nhiều thời đại.
 


Kinh đô Hoa Lư nằm trọn trong Quần thể di sản thế giới Tràng An thuộc địa phận tỉnh Ninh Bình


>>> Đọc thêm: Tràng An Đẹp Tựa Nàng Thơ

Khu di tích này được chia thành 2 vùng chính:

+ Vùng bảo vệ đặc biệt có diện tích 3km2 gồm toàn bộ khu vực nằm trong thành Hoa Lư. Ngày xưa, thành Hoa Lư được chia thành 2 khu vực: thành Ngoại và thành Nội.

Thành Ngoại rộng khoảng 140 ha thuộc địa phận các thôn Yên Thượng, Yên Thành, xã Trường Yên có 5 đoạn tường thành nối các dãy núi tạo nên vòng thành khép kín. Ðây là nơi đặt cung điện chính. Trước cung điện có núi Mã Yên tương truyền vua Ðinh lấy núi làm án ngữ tiền đình.

 


Nằm trong quân thể khu di tích văn hóa cố đô Hoa Lư, núi Mã Yên là nơi an nghỉ của vua Đinh Tiên Hoàng


Thành Nội có diện tích tương đương thành Ngoại, thuộc thôn Chi Phong, xã Trường Yên. Thành là nơi  nuôi trẻ em và những người giúp việc trong cung đình. Thành nội cũng có 5 đoạn tường thành nối liền các dãy núi. Cả hai thành đều lợi dụng nhánh sông Hoàng Long chảy dọc thành, vừa là hào nước tự nhiên, vừa là đường thủy, phục vụ việc di chuyển ra vào thành.

Hai thành này được ngăn cách với nhau bằng một lối đi tương đối hiểm trở gọi là Quèn Vông. Ngày nay, trong vùng có các di tích lịch sử: đền Vua Đinh Tiên Hoàng, đền Vua Lê Đại Hành, đền thờ Công chúa Phất Kim, lăng vua Đinh, lăng vua Lê, phủ Vườn Thiên, chùa Nhất Trụ, chùa Kim Ngân, bia Câu Dền, hang Bim, núi Mã Yên, núi Phi Vân, núi Cột Cờ, sông Sào Khê, một phần khu sinh thái Tràng An và các đoạn tường thành, nền cung điện nằm dưới lòng đất....
 


Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng là một công trình độc đáo, nơi lưu giữ tác phẩm độc nhất vô nhị của nền điêu khắc truyền thống Việt Nam
 


Đền Vua Lê Đại Hành dựng trên nền cũ của cung điện thuộc cố đô Hoa Lư, kiến trúc cơ bản thuộc phong cách cuối thế kỷ XVII


>>> Đọc thêm: Hang Mùa Ninh Bình - Lạc Bước Trong Miền Kí Ức Xa Xưa

+ Vùng đệm có diện tích 10,87km2 gồm toàn cảnh hai bên sông Sào Khê, khu dân cư các thôn: Yên Hạ, Vàng Ngọc và quần thể Tràng An. Trong vùng có các di tích lịch sử: động Am Tiên, động Liên Hoa, hang Quàn, hang Muối, hang Sinh Dược, hang Địa Linh, hang Nấu Rượu, hang Ba Giọt, hang Luồn, đình Yên Trạch, chùa Bà Ngô, đền thờ thần Quý Minh, phủ Khống, phủ Đột, hang Bói...

 


Ninh Bình luôn là nơi có nhiều danh thắng nước non hữu tình và động Am Tiên không là ngoại lệ


Ngoài ra, các di tích liên quan trực tiếp đến khu di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư gồm các di tích không nằm trong 2 vùng trên nhưng có vai trò quan trọng đối với quê hương và sự nghiệp của triều đại nhà Đinh như chùa Bàn Long, chùa Bái Đính, cổng Đông, cổng Nam, động Thiên Tôn, động Hoa Lư,...
 


Chùa Bái Đính là một quần thể chùa lớn với nhiều kỷ lục châu Á và Việt Nam


Động Thiên Tôn thờ thần Thiên Tôn, vị thần trong truyền thuyết ở kinh đô Hoa Lư thế kỷ X


Cố đô Hoa Lư ngày nay có giá trị lịch sử đặc biệt quan trọng không chỉ riêng của Ninh Bình mà còn với cả nước. Ngoài giá trị lịch sử, Hoa Lư còn sở hữu những thắng cảnh nổi tiếng với núi non, hang động kỳ tú, sông nước hữu tình, tạo cho nơi đây một nét đẹp độc đáo riêng, hiếm có.

Không chỉ đơn giản là một chuyến tham quan du lịch, hành trình về lại cố đô xưa, du khách còn về với cội nguồn để hiểu được những gian nan trong công cuộc dựng nước, giữ nước của ông cha; hiểu hơn về giá trị nhân văn, giá trị văn hóa qua những công trình kiến trúc trường tồn của dân tộc.


Xem thêm:

Quần Thể Tam Cốc - Bích Động Khung Cảnh Nên Thơ Của "Vịnh Hạ Long Trên Cạn"

Nhà Thờ Đá Phát Diệm - Sự Kết Hợp Độc Đáo Của Kiến Trúc Đông - Tây

Bí Ẩn Tuyệt Tình Cốc Nơi Thái Hậu Dương Vân Nga Tu Hành Cuối Cuộc Đời 

Những Địa Điểm Nhất Định Phải Check-in Tại Ninh Bình



Bài viết này có hữu ích với bạn hay không?
Rất hữu ích Rất hữu íchRất hữu ích
Hữu ích Hữu íchHữu ích
Không hữu ích Không hữu íchKhông hữu ích

Xem thêm

Thông tin du Lịch

Kinh Nghiệm du Lịch

Banner VYC
Facebook messenger